Việc sơn sửa, tân trang ngôi nhà vào cuối năm không chỉ là nét văn hóa, phong tục của người Việt mà còn là một cách tăng cường vượng khí, giúp gia chủ có tâm thế thoải mái, vui vẻ để chào đón năm mới.
Dưới đây là một số lưu ý khi sơn, sửa nhà để ngôi nhà đón được nhiều vượng khí trong năm mới:
1. Lưu ý khi sửa nhà
Việc sửa nhà có thể chia thành hai trường hợp:
Thứ nhất, chỉ dừng lại ở việc tân trang, dọn dẹp sạch sẽ, nghĩa là gia chủ chỉ cần sắp xếp lại nội thất, đồ đạc, sơn mới lại toàn bộ hoặc một số khu vực, loại bỏ nội thất cũ, sắm mới đồ dùng… Trường hợp này khá đơn giản, gia chủ chỉ cần chọn thời gian và lên kế hoạch thực hiện phù hợp.
Thứ hai, nếu việc sửa nhà liên quan đến những thay đổi lớn như thêm tầng, nâng cốt nền, đập bỏ một phòng hay thêm mới phòng nào đó, thay đổi hệ mái… thì cần có những tính toán kỹ lưỡng hơn. Cụ thể là tính toán về thời gian, chi phí để việc sửa nhà không quá tốn kém và mất nhiều thời gian, nhất là dịp cuối năm cập rập và thuê thợ khó khăn. Bên cạnh đó gia chủ cũng cần lưu ý vấn đề tâm linh, phong thủy như chọn ngày giờ tốt khởi công, chọn vị trí động thổ để không phạm xung sát…
Với cả 2 trường hợp trên, khi sửa nhà gia chủ nên vạch ra các các thứ tự ưu tiên với từng hạng mục:
Trong phong thủy dương trạch, ngôi nhà sẽ chia thành các khu vực ưu tiên lần lượt là cửa ra vào, bếp và không gian sinh hoạt, nghỉ ngơi của chủ nhà (Môn – Táo – Chủ). Từ thứ tự ưu tiên này, gia chủ sẽ sắp xếp, cân đối được thời gian, tài chính, hạng mục cần phải sửa chữa để việc tu sửa không tốn kém và mệt mỏi.
- Với hệ thống cửa: Trong phong thủy, cửa ra vào chính là nơi nạp khí cho ngôi nhà. Cùng với cửa là hệ thống lối vào, cầu thang cũng cần được dọn dẹp sạch sẽ bụi bẩn, mảng bám trên bề mặt. Để kích hoạt thêm sinh khí, có thể trang trí cửa và lối vào bằng chậu cây xanh, hoa tươi hoặc các đồ trang trí trên bệ cửa sổ...
Kiểm tra chất lượng cánh, bản lề cửa nếu có rêu mốc, mối mọt cần phải xử lý, nếu cửa cũ hỏng xuống cấp nên thay mới hoặc sơn lại.
Nếu các cửa trong nhà bố trí thẳng hàng nhau tạo đường hút gió thì nên đặt thêm chậu cây xanh gần cửa để luồng khí không tạo ra thế Trực Xung Đối Môn… bất lợi về phong thủy.
- Với khu vực bếp: Việc dọn dẹp sạch sẽ khu bếp, loại bỏ thực phẩm cũ, hỏng, quá hạn… về mặt khoa học giúp loại trừ vi khuẩn, nấm mốc gây bệnh, về mặt phong thủy giúp thanh lọc các tạp khí bất lợi.
Chủ nhà cũng nên dọn dẹp bớt những đồ đạc không sử dụng, tránh để đồ trên nóc tủ lạnh, không bố trí nơi dọn rửa quá gần bếp nấu vì sẽ tạo thế Thủy Hỏa tương xung. Sau một thời gian sử dụng, đây cũng là lúc thích hợp để gia chủ sắp xếp lại khu vực bếp gọn gàng, ngăn nắp, thuận tiện khi sử dụng. Ngoài ra, gia chủ cũng nên kiểm tra lại hệ thống đường nước, dây điện để khắc phục sự cố kịp thời, kiểm tra bóng đèn, điện và thay mới nếu cần để cung cấp đủ ánh sáng cho gian bếp. Khu bếp sạch sẽ, ngăn nắp, thoáng đãng sẽ rất có lợi cho sức khỏe và kích hoạt vượng khí.
- Với không gian sinh hoạt của gia chủ: Khu vực đầu tiên cần trang hoàng là bàn thờ gia tiên, tiếp theo là phòng khách, khu sinh hoạt chung, cuối cùng là các phòng ngủ. Các không gian này cần dọn dẹp, lau chùi sạch sẽ, loại bỏ đồ cũ, hỏng, ít sử dụng. Những ngày cuối năm có thể dùng nước thơm, bồ kết để khử khuẩn và uế khí đọng trong nhà. Trong kỳ nghỉ lễ dài ngày như Giáng sinh, Tết âm lịch, gia chủ có thể thay đổi màu sắc trang trí cho sinh động, bổ sung thêm hoa tươi, cây xanh để tăng cường sinh khí. Khi trang trí, nên nhấn nhá các gam màu đỏ, nâu, vàng… để tăng năng lượng dương cho ngôi nhà, tăng Hỏa để kích hoạt ngũ hành Mộc chào đón mùa xuân.
Khu vực sân vườn, ban công, chỗ để xe… cũng cần được dọn dẹp, thay mới cây chết, héo úa… Khi cả ngôi nhà được làm sạch và bố trí lại, gia chủ không chỉ được tận hưởng không gian thoáng đãng, dễ chịu mà còn tạo “chỗ ở” cho sinh khí.
2. Lưu ý khi sơn nhà
Sau một năm hứng chịu các tác động của thời tiết, màu sơn bên ngoài ngôi nhà ít nhiều bị ảnh hưởng như bạc màu, loang lổ, rêu mốc… Tuy nhiên, nếu gia chủ dùng loại sơn tốt, độ bền cao thì có thể sau 2-3 năm mới cần sơn mới.
Dưới góc độ phong thủy, màu sơn bên ngoài của công trình không chỉ có giá trị về mặt thẩm mỹ mà còn giúp đón các năng lượng tích cực của hướng nhà, giúp thay đổi tâm trạng của người sống trong nhà từ đó tạo ra những thay đổi lớn hơn về các kế hoạch, dự định trong cuộc sống.
Ngôi nhà tươi mới, khang trang, sạch đẹp cũng khiến tâm trạng con người phấn chấn hơn, tạo động lực để mọi người gặt hái được nhiều thành công hơn. Ngược lại, ngôi nhà ẩm thấp, xuống cấp tồi tàn, rêu mốc cũ kỹ… dễ tạo ra tâm lý lười nhác, thiếu động lực, sinh khí.
Do đó, việc thay đổi màu sơn, làm mới ngôi nhà dịp cuối năm cũng có ý nghĩa như việc thay đổi tâm thế, vận hạn trong một chu kỳ mới.
Việc chọn màu sơn cũng nên cân đối theo điều kiện khí hậu, thời tiết vùng miền. Ví dụ ở xứ lạnh có thể chọn những gam màu ấm nóng, ngược lại xứ nóng nên chọn gam màu nhẹ nhàng, dịu mắt… Nhà quay về hướng nhiều ánh nắng mặt trời nên sơn màu nhạt, màu trung tính, trong khi nhà ở hướng gió lạnh, ít ánh nắng nên chọn màu sơn ấm nóng hơn. Ngoài ra, gia chủ cũng có thể chọn màu sơn có ngũ hành tương sinh với hướng. Ví dụ nhà hướng Bắc thuộc Thủy có thể chọn màu trắng, vàng nhạt; nhà hướng Nam thuộc Hỏa có thể chọn màu xanh nhạt… Việc chọn màu sơn nhà ngoài sở thích, gu thẩm mỹ cũng nên tuân thủ một số nguyên tắc này để đạt được sự hài hòa.
Triết lý của khoa học phong thủy chính là hướng tới sự cân bằng. Do đó, dù chọn màu sơn nào gia chủ cũng cần chú ý đến sự cân bằng âm – dương, thể hiện ở sự phối hợp tone màu và cấp độ màu. Màu sắc kết hợp hài hòa tượng trưng cho sự luân chuyển âm – dương, từ đó tạo ra khí vượng. Ngược lại, ngôi nhà sử dụng quá nhiều màu nóng hoặc quá nhiều màu lạnh sẽ gây mất cân bằng âm dương, không tốt về mặt phong thủy.
Hải Âu
google-site-verification=CFHxhETHD63AIpBf3eVe-bQpO7ZBHS73OlZijP3Nx2k